Lịch sử Talawas

Thành lập năm 2001 bởi nhà văn Phạm Thị Hoài.

Bước đầu Talawas chủ trương đối thoại về chủ đề văn học, và sưu tầm những tư liệu, tác phẩm, bài viết văn học văn chương của các tác giả trong nước, như của phong trào Nhân văn Giai phẩm, Tự Lực Văn Đoàn ở miền Bắc, nhóm Sáng tạo ở miền Nam,... và trao đổi về các khuynh hướng văn chương từ Cổ thi đến Tân hình thức, các cuộc tranh luận văn học trên thế giới.[1][11] Sau đó, Talawas mở rộng thêm chủ đề xã hội và chính trị.[1]

Theo Talawas, từ cuối tháng 5 năm 2004, chính quyền Việt Nam đã thiết lập tường lửa để ngăn chặn sự truy cập từ trong nước đến trang web này[12][13]. Từ đó, chỉ có người ở ngoài nước Việt Nam mới theo dõi được.

Từ tháng 1 năm 2006, có thêm Talawas chủ nhật dành cho sáng tác văn học chọn lọc.

Ngày 3 tháng 11 năm 2008, trang web Talawas tuyên bố chấm dứt hoạt động "trong hình thức hiện tại"[7][14]. Trang web hứa sẽ trở lại dưới hình thức mới vào ngày 15 tháng 3 năm 2009.

Đúng hẹn, ngày 15 tháng 3 năm 2009, sau hơn bốn tháng tạm ngưng và chấm dứt hoạt động ở hình thức cũ, trang Talawas đã hoạt động trở lại, hoạt động nay gồm hai phần Talawas blogTạp chí Talawas định kỳ [15]. Talawas blog là diễn đàn hàng ngày, với phần blog tập trung các cây viết từ Việt Nam và các nơi trên thế giới, với nguyên tắc chính các blogger tự do phát biểu ý kiến và tự chịu trách nhiệm cho diễn đàn của mình. Còn Tạp chí định kỳ phát hành ba tháng một số theo dạng PDF, mỗi số tập trung vào một chuyên đề với bài vở chọn lọc.

Đến ngày 3 tháng 11 năm 2010, lúc 24 giờ Việt Nam, Talawas tuyên bố ngừng hoạt động, vì "bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà Talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp" và "chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam".[6][10]

Tuy nhiên, toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Talawas sẽ vẫn được bảo quản và duy trì trên mạng như "tài sản chung của cộng đồng mạng".[10]

Liên quan